Ngày 10/9 tại TP.HCM, Diễn đàn Kết nối ba bên Thanh niên – Marketer – Nhà báo do Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức.
Diễn đàn là hoạt động năm trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Oxfam Vietnam, được RED triển khai trong bốn năm từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với mục tiêu là thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam thông qua tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới.
Tại diễn đàn, các khách mời đã mạnh dạn chia sẻ những góc nhìn, kinh nghiệm của mạng lưới chủ chốt 3 bên (Thanh niên/Sinh viên – Marketer – Nhà báo). Từ đó, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới trong 3 lĩnh vực được coi là có tác động truyền thông lớn nhất đến xã hội: Giáo dục, Báo chí & Quảng cáo, Marketing.
Chuyên gia Giới -TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng Đồng cho biết, “Khi nhắc đến vai trò lãnh đạo người ta thường hay dựa vào giới tính để chọn lựa như một thói quen. Khi mô tả phụ nữ, người ta thường “phi thường” hóa vai trò của họ, đơn cử như là phụ nữ hiện đại, giỏi giang là phải “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, có công việc lương cao nhưng vẫn phải làm tròn nghĩa vụ bếp núc, việc nhà trong gia đình,… Còn đối với các nữ lãnh đạo, vẫn còn nhiều định kiến như việc nam giới làm chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tốt hơn phụ nữ. Phụ nữ lãnh đạo thì sẽ hay cảm tính, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Đặc biệt hơn, nữ giới khi làm lãnh đạo sẽ bị soi xét, để ý hơn so với nam giới và đặt ra nhiều vấn đề khắt khe hơn… Chính những quan điểm thiên lệch không đúng đã vô tình gây ra gánh nặng cho phụ nữ”.
Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh -Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM chia sẻ tại Diễn đàn: “Về khía cạnh giáo dục phụ nữ luôn có những rào cản, khó khăn nhiều hơn nam giới khiến tỷ lệ nữ lãnh đạo thấp. Đơn cử như phụ nữ phải thực hiện thiên chức làm mẹ của mình. Nếu họ sinh 2 con thì họ phải mất thời gian khoảng từ 5 đến 6 năm. Khi muốn làm lãnh đạo, nếu là nữ doanh nhân thì cũng chưa phải là một cái gì đó nó quá đặc biệt, nhưng nếu bắt đầu trong môi trường đại học thì lúc đấy cần có một cái sự phấn đấu vượt bậc và rất rõ ràng bởi vì yêu cầu của các giảng viên đại học phải đáp ứng đủ trình độ chuyên môn về học thức (ví dụ đối với cấp trưởng khoa bây giờ chuẩn hóa phải là tiến sĩ). Vậy thời gian đào tạo sẽ là rất dài với gần 12 năm (5 năm học ĐH, thêm 3 năm Thạc sĩ và 3,4 năm mới đạt trình độ Tiến Sĩ). Nếu không cân bằng thời gian học tập và gia đình thì có thể họ sẽ phải đứng trước nguy cơ đổ vỡ trong hôn nhân, chậm kết hôn hoặc thậm chí không thể lập gia đình vì đã lớn tuổi. Do vậy, so với nam giới thì phụ nữ buộc phải cố gắng hơn rất nhiều để có thể đạt được vai trò lãnh đạo trong thời đại ngày nay.”
Định kiến giới có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cá nhân của phụ nữ và nam giới. Các nghiên cứu lý thuyết cũng như thực tiễn đã chứng minh, nam và nữ chỉ khác nhau về mặt xã hội. Quan niệm lãnh đạo hoặc các công việc thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật không thích hợp đối với phụ nữ đã dẫn đến việc đánh giá khắt khe hoặc không công nhận khả năng quản lý, nghiên cứu, sáng tạo của phụ nữ. Hoặc quan niệm nam giới không phù hợp với các công việc cần sự khéo léo, mềm dẻo, tỉ mỉ đã gạt nam giới ra khỏi các công việc thuộc lĩnh vực sư phạm, nghệ thuật, dịch vụ…
Truyền thông & Marketing có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực hành động về giới và bình đẳng giới của cộng đồng. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới, Việt Nam là một trong những quốc gia được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong việc xóa bỏ khoảng cách giới. Tuy nhiên, định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội, trên các phương tiện truyền thông và báo chí. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết, quan sát và nhận diện những định kiến giới trong truyền thông, báo chí góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các khuôn mẫu giới, thúc đẩy sự phát triển công bằng và tiến bộ của xã hội.
Theo Chuyên gia về Marketing Ân Đặng cho biết: “Quảng cáo, truyền thông không chỉ phản ánh sản phẩm để người tiêu dùng mua mà còn phản ánh những tình huống hàng ngày mà người tiêu dùng sử dụng chúng. Điều này có nghĩa là những nhà làm quảng cáo sẽ khai thác Insight (Sự thật ngầm hiểu) từ phía khách hàng của mình để biết họ thực sự mong muốn gì đối với sản phẩm, dịch vụ của họ. Những sản phẩm quảng cáo lồng ghép vai trò vai trò của phụ nữ”.
Bên cạnh đó, thông thường hình ảnh người phụ nữ trong các thông điệp quảng cáo, PR thường gắn chặt với vai trò bếp núc, chăm con, giặt giũ. Từ các sản phẩm tiêu dùng như bột giặt, nước rửa chén, đến các loại thực phẩm nội trợ, 90% quảng cáo đều dùng hình ảnh người phụ nữ trong gia đình… những kịch bản vẫn không thoát khỏi định kiến giới.
Dễ dàng nhận thấy, để giảm bớt định kiến giới trên các sản phẩm quảng cáo cần nỗ lực từ cả nhà sản xuất và người xem. Người làm sản xuất chắc chắn cần phải lắng nghe và điều chỉnh theo thị hiếu người xem. Việc ngay lập tức đưa ra một bộ quy chuẩn về giới và áp các sản phẩm quảng cáo của công ty cũng khó đem lại hiệu quả cao vì quảng cáo có áp lực bán hàng rất nặng nề.
“Tuy nhiên, lợi nhuận phải đi kèm với trách nhiệm xã hội. Những định kiến về giới nếu cứ khai thác mãi dù đang mang lại lợi nhuận cũng sẽ sớm trở nên nhàm chán và không thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Hiện nay, có những đơn vị đang có sự thay đổi tích cực, chú trọng lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới, qua đó góp phần định hướng và xóa bỏ những định kiến về giới”, ông Ân Đặng nói.
Kết thúc buổi thảo luận, các bên đã đóng góp những giải pháp để xóa bỏ những định kiến về giới như: tiếp thu các thông tin một cách chọn lọc, đưa các chương trình đào tạo để tăng thêm hiểu biết về định kiến giới, thực hiện các chương trình nghiên cứu chuyên sâu về bình đẳng giới, có những chính sách hỗ trợ nữ giới một cách phù hợp. Các công ty và người làm truyền thông nên tiếp cận và có góc nhìn mới để đưa ra những chiến lược để nhận được sự ủng hộ của khách hàng.
Lê Minh Tài